Bí quyết lắp điều hòa của khách sạn cao cấp khiến bạn ngủ ngon hơn khi về nhà

Bi Quyet Lap Dieu Hoa Cua Khach San Cao Cap Khien Ban Ngu Ngon Hon Khi Ve Nha 1

Bí quyết lắp điều hòa của khách sạn cao cấp là không bao giờ để điều hòa thổi thẳng vào giường ngủ, mà luôn thổi cách chân giường một khoảng.

Rất nhiều người vẫn chưa biết cách lắp điều hòa sao cho khi dùng thoải mái nhất và hóa đơn tiền điện của gia đình ở mức thấp nhất. Hãy chú ý các điểm sau:

1. Tránh thổi trực tiếp vào người

Nhiều người phân vân không biết đặt điều hòa ở đầu giường, chân giường hay bên giường để thổi vào người thì sẽ tốt hơn? Cả ba vị trí đều không đúng. Vị trí đặt điều hòa tốt cho sức khỏe nhất chính là làm sao để điều hòa không thổi trực tiếp vào giường.

Bạn có bao giờ thắc mắc, tại sao đến các khách sạn cao cấp, bạn cảm giác ngủ ngon hơn ở nhà, dù nhà bạn cũng có điều hòa và chăn đệm êm ái? Nếu để ý, bạn sẽ thấy, từ cửa bước vào phòng khách sạn thường là một hành lang, bên trái có thể là tường hay một tủ kệ kê sát tường. Bên phải là toilet. Giường kê ở phía bên trong. Các máy lạnh thường đặt ở hành lang và thổi vào trong, vì thế luồng khí không hướng thẳng về phía giường mà cách chân giường một khoảng nhất định.

Ở đây, máy đã được sử dụng đúng nghĩa máy điều hòa không khí, điều hòa sao cho nhiệt độ trong phòng cân bằng ở mức độ thích hợp với con người, để người sử dụng cảm thấy thoải mái dễ chịu.

Bí quyết lắp điều hòa của khách sạn cao cấp khiến bạn ngủ ngon hơn khi về nhà

Luồng khí thổi của điều hòa còn cách chân giường một khoảng nhỏ. Ảnh: Builddirect.

Để điều hòa thổi trực tiếp vào người rất nguy hiểm, đặc biệt trong những trường hợp người dùng không kiểm soát được như đi nhậu về say, giấc ngủ quá say, người đang ốm yếu. Thực tế, nhiều người cơ thể đang yếu đã bị đột quỵ, trúng gió nặng khi bị điều hòa thổi thẳng gió vào người.

2. Chọn điều hòa có công suất phù hợp với thể tích của phòng

Phòng 15m2 (45m3), nên chọn điều hòa có công suất 1 mã lực (9000 BTU).

Phòng 20m2 chọn điều hòa công suất khoảng 12.000 BTU.

Phòng 25m2 chọn điều hòa công suất 15.000 BTU.

Phòng diện tích 30m2 chọn điều hòa công suất 18.000 BTU.

Phòng có diện tích 40m2 thì chọn công suất khoảng 24.000 BTU.

Nếu lắp đặt máy có công suất không phù hợp với diện tích phòng sẽ xảy ra hai trường hợp: hoặc gây lãng phí điện hoặc phòng không đủ mát.

3. Cục nóng không nên đặt quá xa cục lạnh

Cục nóng không nên đặt quá xa cục lạnh, tốt nhất là khoảng cách giữa hai cục không nên quá 25 m. Nếu hai cục cách nhau quá xa, công suất làm lạnh của máy sẽ giảm.

Cục nóng vốn được thiết kế để ngoài mưa nắng nên không cần phải có mái che đậy. Tuy nhiên vì cục nóng thổi khí thải và khí nóng ra ngoài, nên để trên mái nhà hay nơi nào không ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng là tốt nhất.

4. Phòng lắp máy lạnh nên kín nhưng nếu bạn muốn hẹn giờ lúc ngủ, cần có khe thông cho không khí đối lưu trong phòng

Để tránh lãng phí năng lượng, với những phòng lắp máy lạnh không nên làm trần cao quá. Cần bảo đảm phòng kín để công suất của máy có thể đạt đến mức tối ưu. Nên có tường cách nhiệt, nhất là những căn phòng có hướng nắng gắt chiếu vào trực tiếp.

Với những phòng trên cao nhất của ngôi nhà, phải có cách nhiệt mái. Thường các gia đình Việt Nam hay bỏ qua khâu làm mái cách nhiệt nên tầng trên cao nhất rất nóng, lúc đó máy lạnh sẽ kém hiệu quả và tốn năng lượng.

Tuy nhiên, nếu chủ nhà dùng chế độ hẹn giờ với máy lạnh, muốn máy tự tắt khi đang ngủ say, phòng không được kín hoàn toàn. Phòng cần được đối lưu không khí khi máy không hoạt động, để người ở bên trong không bị ngạt thở. Khe đối lưu nên để cao hơn tầm đầu người để bảo đảm sự kín đáo đồng thời đảm bảo đối lưu khí thải hơn là bay đi khí lạnh. Vì khí nóng thường bay lên cao còn khí lạnh luôn nặng hơn khí nóng và đọng ở tầm thấp.

5. Nếu lắp thêm quạt hút, quạt hút cần để xa máy lạnh

Để đảm bảo không khí trong phòng luôn luôn sạch, một số gia đình lắp thêm quạt hút, để hút bớt khí thải ra.

Trong trường hợp này, quạt hút không nên đặt gần máy lạnh, tốt nhất là đặt cách xa, có thể đối diện hoặc chéo cục lạnh. Khi đặt quạt hút gần máy lạnh, rất dễ xảy ra trường hợp quạt không hút khí thải mà hút khí lạnh của máy thải ra ngoài, khiến công suất làm lạnh của máy bị giảm.

6. Dùng chung máy điều hòa và quạt

Dùng đồng thời cả hai thiết bị sẽ giúp bạn tiết kiệm điện hơn là giảm độ lạnh của điều hòa thật sâu. Khi dùng quạt cùng điều hòa, nên để quạt ở chế độ swing để có thể điều tiết khí lạnh khắp phòng, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

7. Chú ý không khí sạch cho phòng

Khi bật điều hòa, nhiều người không biết rằng nếu không khí trong phòng không sạch sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta đi vắng cả ngày, phòng đóng kín, không khí ở trong phòng là không khí tồn đọng, chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn yếm khí… Vì vậy, trước khi bật máy lạnh, bạn nên mở hết cửa phòng, để lưu thông không khí. Có thể bật thêm quạt để đẩy nhanh lưu thông không khí. Sau khi phòng đã được đón khí tươi, hãy bật điều hòa. Thậm chí vài phút đầu, bạn có thể mở cửa khi bật điều hòa để đảm bảo không khí được sạch nhất ở mức có thể.

Đặc biệt bạn không nên để nhiệt độ điều hòa quá chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời. Thường thì chênh lệch ở mức 5 độ trở lại là phù hợp, vừa giúp người sử dụng không bị sốc nhiệt, vừa đảm bảo tuổi thọ cho điều hòa, và cũng tiết kiệm được tiền điện.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền

Để lại một bình luận