Cách để thực phẩm tươi sống trong tủ lạnh đúng cách

Cách để thực phẩm tươi sống trong tủ lạnh đúng cách

Để tránh thức ăn bị ôi thiu, nhiều gia đình có thói quen trữ đông lạnh các loại thực phẩm trong tủ lạnh. Nhưng nếu trữ đông không đúng cách, thực phẩm dễ biến chất, gây ngộ độc.

Những ngày gần đây, thời tiết miền Bắc luôn thay đổi thất thường khiến nhiệt độ và độ ẩm trong không khí gây nhiều tác động xấu đến các loại thực phẩm. Để tránh thức ăn bị ôi thiu, nhiều gia đình có thói quen trữ đông lạnh các loại thực phẩm, đặc biệt là đồ tươi sống. Tuy nhiên, nếu trữ đông không đúng cách, các loại đồ ăn sẽ biến thành chất độc gây nguy hại cho sức khỏe.

Các chuyên gia y tế cũng nhận định, để thực phẩm trữ đông không trở thành độc tố gây ngộ độc thực phẩm thì cần phải thực hiện các công đoạn đúng quy trình, từ lựa chọn cho đến cấp đông đều phải đúng tiêu chuẩn VSATTP.

Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Dung (BV Nhiệt đới TƯ) cho biết, bước đầu tiên để giữ thực phẩm được lâu là chọn đúng loại thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận thực phẩm sạch là tốt nhất. RIêng đối với thực phẩm tươi sống phải lưu ý một số điểm sau:

– Khi chọn thịt lợn, tránh chọn loại nạc mà hầu như không có mỡ, thịt có màu đỏ sậm chứng tỏ người chăn nuôi dùng nhiều chất tăng trọng chứa hóa chất;

– Đối với thịt cá tươi sống, nên ưu tiên chọn mua cá nuôi tự nhiên vì có thịt ngọt, săn chắc; loại cá được nuôi bằng thức ăn công nghiệp chứa kháng sinh thì thịt thường kém chắc, để ra môi trường bên ngoài dễ bị ươn và ôi thiu, khi chế biến cá thường có mùi tanh hơn.

Sau khi đã chọn được các loại thực phẩm sạch, nên sơ chế ngay và để vào tủ lạnh để tránh bị ôi thiu. Việc sơ chế cần thực hiện đúng cách, vật dung sơ chế phải đảm bảo vệ sinh để tránh làm nhiễm khuẩn thực phẩm. Khi trữ đông, cần cho thực phẩm vào các hộp chuyên dụng để giúp các loại mùi thức ăn không bị ám vào nhau. Ngoài ra, cần phân loại thức ăn theo thời gian lưu trữ. Ví dụ, những thức ăn sát hạn sử dụng nên để ra phía trước hoặc cánh tủ, tránh bị quên và gây lãng phí khi bị hỏng hoặc quá hạn.

Đối với những loại thức ăn là thực phẩm tươi sống trữ đông nên dán các loại nhãn tên, ngày cất đông để biết được thời gian sử dụng của thực phẩm. Theo các chuyên gia, mỗi một tuần nên tiến hành dọn dẹp tủ lạnh một lần để đảm bảo vệ sinh, không nên để các loại thực phẩm cấp đông quá lâu vì vi khuẩn và mùi hôi vẫn sẽ phát triển trong nhiệt độ thấp.

Ngoài ra, thực phẩm khi được lấy ra khỏi ngăn trữ đông thì phải dùng luôn, tuyệt đối không được rã đông thực phẩm rồi lại cho vào ngăn đông. Đây là một trong những lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm. Thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm các chất trong thức ăn bị biến đổi thành chất độc, thậm chí có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn.

Bên cạnh đó, việc phân chia thực phẩm theo từng vùng trong tủ lạnh cũng là một phương pháp trữ đông đúng cách. Ví dụ: phần mặt kính là nơi có nhiệt độ thấp nhất, nên để các loại thực phẩm dễ hư như thịt, cá. Nơi gần với ngăn đông đá nên dành cho những loại thực phẩm cần nhiệt độ thấp vừa phải như sữa chua, bánh ngọt. Phần hộc tủ dưới cùng thường là nơi dành riêng cho rau củ, nên bỏ hết các lá dư thừa, làm sạch, bọc trong túi vải thưa rồi mới cất vào tủ lạnh.

Cửa tủ lạnh thường phù hợp với những thực phẩm cần bảo quản ở nhiệt độ thấp nhưng không được đông cứng như trứng, bơ, mứt… Các ngăn còn lại phù hợp để đặt các loại gia vị, thực phẩm bảo quản trong lon.

Để lại một bình luận