Robot hút bụi, máy rửa bát, máy giặt sấy hay nồi chiên không dầu là các thiết bị bếp có thể giúp giảm áp lực nội trợ cho những người phụ nữ.
Robot hút bụi
Khác với máy hút bụi trước đây vẫn cần người điều khiển, robot chạy hoàn toàn tự động và sẽ “lân la” khắp phòng để làm sạch, tự quay về vị trí sạc pin khi cần, làm việc theo lịch đã định. Trên thị trường hiện có hàng chục thương hiệu robot hút bụi của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ… Người sử dụng có thể tham khảo các dòng máy với giá tầm 4 triệu đồng trở lên với lực hút đủ mạnh, hỗ trợ các tính năng thông minh. Một số sản phẩm cao cấp còn thêm tính năng lau nhà.
Là món đồ được nhiều gia đình tìm hiểu và “săn đón”, robot hút bụi thích hợp với chung cư hay nhà riêng có mặt sàn đủ lớn. Để phát huy hiệu quả, các đồ đạc trong nhà nên để gọn gàng, tủ hay giường có chân đế kê cao. Một số robot hút bụi thông minh “biết” tránh cầu thang, nhà vệ sinh hay thảm.
Nồi cơm điện cao tần
Sử dụng công nghệ cảm ứng từ (IH) cho phép làm chín gạo mà không cần mâm nhiệt, nồi cơm điện cao tần được đánh giá giúp nấu cơm ngon hơn, giữ lại nhiều chất trong hạt gạo. Ngoài ra, sản phẩm còn giúp giữ ấm cơm nhiều giờ mà không khiến cơm bị khô. Một số nồi cơm cao tần hỗ trợ nấu cháo, làm bánh, chế biến nhiều món, qua đó giảm tải công việc nội trợ trong gia đình.
Tại Việt Nam, nồi cơm điện cao tần được biết nhiều với dòng “nội địa Nhật”, tức các sản phẩm được “xách tay” từ thị trường Nhật Bản. Có cả sản phẩm mới và thiết bị đã qua sử dụng nhưng đều chung đặc điểm là sử dụng điện 100-110V nên cần bộ đổi nguồn, các nút bấm tiếng Nhật phần nào gây khó khăn cho người mới dùng.
Một nồi cơm cao tần “xách tay” Nhật Bản có giá từ khoảng một triệu đến hàng chục triệu đồng, tùy hình thức, tình trạng, năm sản xuất hay tính năng. Trong khi đó cũng là hàng Nhật Bản, của các thương hiệu như Zojirushi hoặc Tiger, Hitachi, Toshiba, Panasonic… nhưng được phân phối chính hãng, dùng điện 220V và có nhãn tiếng Anh, giá thường trên 10 triệu đồng.
Thị trường Việt Nam còn đón nhật một số nồi cao tần giá từ 2 triệu đồng cho hàng mới, của các nhãn hàng như Sunhouse, Kangaroo, Midea, Xiaomi… Người dùng cần phân biệt nồi cao tần hay còn gọi là nồi điện từ, khác với nồi cơm điện tử – có kiểu dáng và menu điều khiển tương đương nhưng vẫn dùng mâm nhiệt.
Tích hợp kết nối Wi-Fi, Xiaomi còn có nồi cơm điện từ cho phép điều khiển thông qua smartphone. Người dùng có thể đặt được chế độ nấu, theo dõi quá trình hay ra lệnh từ xa cho sản phẩm này.
Máy giặt tích hợp sấy
Máy giặt đã trở thành thiết bị quen thuộc trong nhiều gia đình Việt ngày nay nhưng nếu nâng cấp lên máy giặt có chức năng sấy khi công việc nhà sẽ còn được giải phóng hơn nữa. Như tên gọi, sau khi giặt xong thì thiết bị này sẽ sấy khô quần áo để người dùng có thể gấp đồ mà không cần phơi.
Một số người dùng e ngại máy giặt sấy không làm khô quần áo hoàn toàn, đồ bị nhăn và không “thơm mùi nắng” như đem phơi. Tuy nhiên các dòng máy mới được đánh giá cho khả năng sấy khô hoàn toàn, giặt xong có thể mặc được luôn và quần áo lấy ra ấm như vừa được là ủi.
Để phát huy hiệu quả, người dùng máy giặt sấy không nên cho quá nhiều đồ vì trọng lượng quần áo sấy thường nhỏ hơn khả năng giặt (ví dụ giặt 9 kg nhưng sấy chỉ là 6 kg). Có thể chọn chế độ sấy nóng hoặc sấy khô tùy từng loại vải, dùng chế độ vắt phù hợp.
Máy giặt sấy thường có giá gấp rưỡi máy giặt thông thường, thời gian hoàn thành chu trình cũng kéo dài hơn. “Hiện đại – hại điện” đúng theo cả nghĩa đen với dòng sản phẩm này, nhất là với các máy dùng cơ chế sấy nhiệt. Tuy nhiên với việc sáng bỏ quần áo vào máy, tối về cất đồ vào tủ thì đây là thiết bị đáng để người dùng cân nhắc. Không cần phơi đồ cũng giúp giải phóng cho ban công, nhất là với các căn chung cư. Lợi ích của máy giặt sấy sẽ càng rõ rệt với các nhà ở miền Bắc vào mùa nồm ẩm.
Theo xu hướng smarthome, một số mẫu máy giặt còn được tích hợp kết nối không dây, cho phép điều khiển từ xa nhưng giá thành khá cao. Người dùng có thể chọn chế độ, hẹn giờ hay theo dõi quá trình giặt thông qua smartphone. Dòng máy khác có chế độ chẩn đoán thông minh, giúp xác định lỗi trên máy giặt với điện thoại.
Xem thêm: Máy giặt sấy LG lồng ngang 9kg/5kg FC1409D4E Inverter Direct Drive
Nồi chiên không dầu
Chiếm không gian nhỏ trong căn bếp nhưng lợi ích mà nồi chiên không dầu đem đến lại khá lớn. Thiết bị này sử dụng thanh đốt nóng và quạt để luân chuyển luồng khí nóng, từ đó làm chín đều thức ăn mà không cần đảo. Nồi giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian đồng thời tốt cho sức khỏe do giảm được lượng dầu mỡ (có khay chứa ở đáy), tránh thực phẩm bị cháy.
Với nồi chiên không dầu, việc chế biến các món như khoai tây chiên, chả nướng, nem rán hay thậm chí nướng gà, quay vịt… trở nên đơn giản. Người dùng có thể sơ chế và bỏ sẵn đồ trong tủ lạnh khi rảnh rồi chiên trước bữa ăn. Thậm chí con cái cũng có thể hỗ trợ cha mẹ công đoạn nấu nướng do máy khá dễ sử dụng.
Tại Việt Nam, nồi chiên không dầu có nhiều loại của các thương hiệu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay châu Âu…, giá giao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Theo kinh nghiệm của một số bà nội trợ, nên chọn nồi thể tích đủ lớn giúp chế biến được nhiều món hơn, có thể quét thêm lớp dầu lên thực phẩm để đỡ khô, mở ra kiểm tra rồi tăng thời gian nếu thực ăn chưa chín nhằm tránh đồ ăn bị cháy.
Máy rửa bát
Công việc dọn dẹp sau bữa ăn chiếm khoản thời gian và công sức không nhỏ, nhất là rửa bát. Việc đầu tư máy móc thay thế đáng để người dùng cân nhắc, giúp bạn có thêm khoảng 30 phút cho gia đình, đỡ mỏi lưng, tránh da tay tiếp xúc với chất tẩy, tiết kiệm nước và còn đảm bảo vệ sinh.
Máy rửa bát có thể thiết kế dạng âm, máy đứng độc lập hay máy đặt trên bàn và dù loại nào cũng chiếm một khoảng không gian tương đối trong bếp, đòi hỏi lắp đặt đường nước. Tùy theo kích thước mà có thể rửa được một khối lượng chén đĩa hay xoong nồi nhất định. Máy sử dụng tia nước với áp lực cao, kết hợp cùng chất tẩy để làm sạch sau đó sấy khô dụng cụ nhà bếp.
Theo chia sẻ của một số gia đình từng sử dụng, chén bát, xoong nồi nên được tráng sơ trước khi cho vào máy, sử dụng loại chất tẩy chuyên dụng để tăng hiệu quả làm sạch. Tại Việt Nam, một số máy rửa bát “nội địa Nhật” đã qua sử dụng được bán với giá từ vài triệu đồng, trong khi các mẫu máy mới của châu Âu giá tới vài chục triệu đồng.